BĐS không có biệt dược, không phải cứ thích là xây dựng
Trao đổi với BizLIVE, ông Đặng Hùng Võ, chuyên gia bất động sản cho rằng, các nhà đầu tư trong nước nên tập trung hướng dòng vốn đầu tư vào các loại hình bất động sản trung bình và giá rẻ.
Theo ông, lý do nào dẫn đến việc dòng vốn đầu tư nước ngoài vào bất động sản tăng khá mạnh trong năm 2014 vừa qua, nhiều nhất trong vài năm trở lại đây?
Dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng đáng kể vào năm 2007 khi Nghị định 84 quy định nhà đầu tư nước ngoài và trong nước được làm các trình tự thủ tục với nhà nước là giống nhau.
Đến khi được cởi mở hơn, đầu tư FDI vào bất động sản đã tăng lên và chiếm tới 40% đầu tư bất động sản vào Việt Nam.
Năm 2007 vốn đăng ký tăng mạnh nhưng cuối 2008 lại có lạm phát nên đầu tư FDI vào bất động sản giảm.
Năm 2010 không tăng nhiều, 2012 có sự quan tâm nhiều hơn. Chính vì vậy, cơ hội phục hồi 2014 dẫn đến quyết định đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài mạnh mẽ hơn vào bất động sản ở Việt Nam.
Trong năm vừa qua, lượng vốn FDI đổ mạnh vào lĩnh vực này có phải là dấu hiệu cho thấy sự phát triển nóng trở lại của bất động sản ở Việt Nam, thưa ông?
Tôi vẫn cho là bất động sản đã thoát đáy, có cơ hội phát triển. Một mặt phải nhìn lượng vốn đổ vào, mặt khác là vốn tồn đọng có giải quyết được hay không?
Dấu hiệu của đáy là có tiền chờ, không tung tiền ra mua. Khi thấy người có tiền bỏ tiền ra mua là thời điểm đáy do thấy chờ cũng vô ích.
Vốn tồn đọng gắn với sức khỏe của các nhà đầu tư trong nước nên đây là bài toán cần tính toán tỷ mỉ. Nếu không thị trường chỉ có đầu tư nước ngoài vào sẽ không tốt cho nền kinh tế.
Do đó cần phải có những có giải pháp, tính toán cụ thể. Thị trường đòi hỏi trình độ cao hơn, không phải ai cũng vào được, xin được đất là làm.
Vậy năm 2015, phân khúc bất động sản nào sẽ thu hút đầu tư nước ngoài nhiều nhất, thưa ông?
Nhà đầu tư nước ngoài có những tính toán riêng của họ. Theo tôi nhà đầu tư nước ngoài đang tính toán đến việc đổ vốn đầu tư vào các bất động sản giá rẻ. Bởi vì vòng quay vốn nhanh mặc dù tỷ lệ sinh lời không cao.
Tuy nhiên, một số nhà đầu tư nước ngoài vẫn sẽ tiếp tục đầu tư mạnh vào phân khúc giá cao do họ cho rằng phân khúc này có triển vọng đóng vai trò thương mại nhiều hơn để ở, chuyển nhượng cho người có nhu cầu nghỉ dưỡng gắn liền với hệ thống các khu du lịch, vui chơi, giải trí.
Trong khi đó, Việt Nam lại là đất nước có nhiều tiềm năng về mảng du lịch nghỉ dưỡng với hệ thống các bãi biển thuộc loại đẹp nhất thế giới, nền văn hóa, ẩm thực phong phú.
Theo ông, Việt Nam cần làm gì để thu hút mạnh mẽ hơn nữa dòng vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản?
Chúng ta cần phải có chiến lược và tính toán hợp lý trong việc thu hút vốn ngoại vào lĩnh vực bất động sản.
Một mặt tìm cách khơi thông nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Mặt khác phải tập trung tạo điều kiện để nhà đầu tư trong nước có cơ hội phục hồi năng lực đầu tư…
Đây là 2 điều rất quan trọng! Nếu khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài quá, các doanh nghiệp trong nước sẽ không có cơ hội.
Nhà đầu tư nước ngoài nên khuyến khích đầu tư vào bất động sản giá cao vì họ là nhà đầu tư quốc tế có tiềm lực tài chính mạnh, cộng với nguồn khách hàng lớn là những người nước ngoài có mong muốn mua nhà đất ở Việt Nam.
Các nhà đầu tư trong nước nên tập trung hướng vào việc đầu tư các loại hình bất động sản trung bình và thấp.
Theo ông, có liều thuốc biệt dược nào để phục hồi nhanh bất động sản ở Việt Nam?
Bất động sản khó có biệt dược! Chúng ta biết đây là thị trường có sức ỳ lớn, nặng nề, có uống thuốc lâu lâu mới khỏi.
Năm 2014 đặc biệt là dịp nửa cuối năm, nhiều chủ đầu tư ồ ạt bung hàng, liệu rằng trong năm 2015 và vài năm tới thị trường có tạo ra sự chênh lệch về cung cầu, thưa ông?
Diễn biến trên thị trường bất động sản lúc này cho thấy, chúng ta đang cư xử với cầu thật.
Họ có quyền lựa chọn những chỗ có nhiều hạ tầng kỹ thuật, xã hội tốt… tung ra khi không có lợi thế, cầu sẽ tụ về chỗ đáp ứng hơn.
Chúng ta nên nhớ, cư xử với cầu thật, khác với cầu ảo, các nhà đầu tư phải tính toán cẩn thận, không thể cứ thích là xây dựng.