Công ty Địa ốc - Ồ ạt ra đời những doanh nghiệp mới
Ồ ạt ra đời
Cùng với sự phục hồi của thị trường BĐS, số lượng DN hoạt động trong lĩnh vực này cũng tăng lên chóng mặt. Cụ thể, trong ba tháng đầu năm 2015, theo thông tin từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT), cả nước có 19.049 DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 111.218 tỷ đồng, tăng 3,8% về số DN và tăng 13,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đáng chú ý, lĩnh vực kinh doanh BĐS tăng 50% so với cùng kỳ năm 2014.
Nói về việc các DN BĐS thành lập một cách “đột biến” trong thời gian qua, giám đốc một Cty BĐS (đề nghị không nêu tên) chia sẻ: Nguyên tắc của việc kinh doanh là thấy chỗ nào có tiền, người ta sẽ nhảy vào. BĐS từ trước đến nay vẫn được nhận định là thị trường béo bở, vậy nên khi có tín hiệu khởi sắc, nhiều DN được thành lập cũng không có gì là mới.
Dưới góc nhìn của mình, ông Đỗ Minh Dương - một chuyên gia BĐS cho rằng: Bên cạnh việc thành lập DN do thị trường khởi sắc thì cũng phải nhìn nhận một thực tế rằng sự ra đời một cách ồ ạt của các DN trong thời gian qua là do nhiều DN “lách” Luật Kinh doanh BĐS 2014 có hiệu lực vào ngày 1/7 tới. Cụ thể, từ thời điểm 1/7/2015, để thành lập DN BĐS cần có vốn pháp định 20 tỷ đồng trở lên. Cùng với đó, dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh BĐS còn yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh BĐS phải có vốn pháp định không thấp hơn 50 tỷ đồng đối với trường hợp đầu tư dự án BĐS để kinh doanh, thuộc diện phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư... “Có thể thấy những điều kiện như vậy không phải ai cũng có thể đáp ứng được nên việc các DN thành lập trước thời điểm này cũng là điều hiển nhiên”, ông Dương nhấn mạnh.
Và những quan ngại
Cũng theo vị giám đốc trên, nếu đi sâu vào nội bộ của từng DN có thể thấy trong tổng số các DN mới thành lập sẽ có 2 loại: Một là những DN thành lập mới hoàn toàn và hai là những DN “chết yểu” do nợ xấu, tồn kho giờ thành lập lại với cái tên mới để dễ dàng vay vốn ngân hàng. “Với loại thứ 2, bình mới nhưng rượu vẫn cũ thì khách hàng cần lưu ý khi thực hiện giao dịch với những Cty này”.
“Sau đợt bùng phát về giá và lượng giao dịch trong thời gian ngắn tại TP HCM năm 2007, tại Hà Nội năm 2009 đã nảy sinh những tín hiệu sai lệch về nhu cầu và khả năng chi trả thực sự của thị trường, dẫn đến các DN đã đổ xô vào đầu tư phát triển thị trường BĐS, kể cả các DN không có kinh nghiệm và năng lực tài chính yếu. Vậy nên, với làn sóng gia nhập thị trường một cách ồ ạt của các DN trong những tháng đầu năm 2015, trong thời gian tới thị trường sẽ chứng kiến một cuộc cạnh tranh khốc liệt và nếu không có được sự chuẩn bị tốt nhất, một làn sóng phá sản, đóng cửa như giai đoạn trước đây sẽ lại diễn ra”, một chuyên gia nhấn mạnh.
Tuy vậy, theo nhiều chuyên gia, khi có nhiều DN cùng tham gia thị trường, người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn, và khi đó, vai trò “thượng đế” của khách hàng sẽ được thể hiện rõ nhất. Nhưng cũng theo vị chuyên gia này, trong bối cảnh “tranh tối, tranh sáng” hiện nay, khách hàng cũng cần lưu ý nên lựa chọn sản phẩm của những Cty BĐS uy tín để tránh những rủi ro không đáng có có thể xảy ra.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong 3 tháng đầu năm, giao dịch BĐS tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP HCM tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Tại Hà Nội, trong tháng 3 có khoảng 1.500 giao dịch thành công, tăng 25% so với tháng 2. Cả quý I/2015 có 4.250 giao dịch thành công, gấp gần 3 lần số giao dịch thành công của quý I/2014. Còn tại TP HCM, trong tháng 3 có khoảng 1.400 giao dịch thành công, tăng gần 30% so với tháng trước. Tính chung trong quý I/2015 có khoảng 3.950 giao dịch thành công, gấp 3 lần số giao dịch thành công so với cùng kỳ năm trước.