Vài nét về trí tuệ của người Do Thái
Mời quý vị cùng nhau đọc một bài báo xuân, ăn mứt gừng, uống trà đón Tết.
Thân mến
TnBS
----------------------------------------------------------
"Vài nét về trí tuệ của người Do Thái
Khi nghe người ta nói “nếu Wall Street (Phố Wall) hắt hơi, cả thế giới bị cảm cúm”, nhiều bạn tưởng tượng phố Wall to lớn lắm, thực tế nó là một con đường bề ngang chỉ vài mét, chiều dài khoảng 1,1 km. Wall Street là nơi tọa lạc các định chế tài chính lớn nhất thế giới. Người làm việc ở Phố Wall là tinh hoa nhất trong tinh hoa của giới tài chính toàn cầu.
Mùa đông năm 2014, Tony đến New York du lịch. Thông qua vài người bạn, Tony có quen một vài tinh hoa Phố Wall, trong đó có Gidon – người Israel. Gidon trạc 30 tuổi, tốt nghiệp cử nhân toán ở Israel trước khi học thạc sĩ tài chính ở ĐH Columbia. Học xong, Gidon về nước làm cho quỹ đầu tư trước khi quay lại Mỹ phụ trách giao dịch cổ phiếu của một số công ty Israel trên các sàn chứng khoán New York. Ấn tượng bởi các câu chuyện trong cuốn sách Quốc gia khởi nghiệp, Tony hẹn một buổi cà phê với Gidon. Gidon hôm đó được nghỉ phép, anh mời Tony đến quán Manon Café, ngay đầu phố Wall huyền thoại.
1. Khởi nghiệp kiểu Israel
Tony chưa đến Israel bao giờ, kiến thức về đất nước này chỉ thông qua sách báo, tivi. Khi nghe Gidon xác nhận thông tin trong cuốn sách Quốc gia khởi nghiệp, trong số 3.850 công ty mới ra đời được niêm yết trên sàn NASDAQ, có tới 1.884 công ty là của Israel, quốc gia có 7,1 triệu dân so với 7 tỉ dân toàn cầu, Tony không biết nói gì hơn. Ở Israel, mọi sinh viên từ năm 2 là đã bắt buộc thành lập doanh nghiệp để thử nghiệm (trừ các ngành đặc thù như y khoa, sư phạm, …). Gidon bảo với người trẻ, ý tưởng và khả năng điều hành doanh nghiệp mới là cái khó chứ không phải vốn. Vì ở phố Wall hay bất cứ thị trường chứng khoán nào, tiền vẫn cứ đang nằm chờ để giải ngân vào các ý tưởng điên rồ nhất. Khi phát triển doanh nghiệp, các bạn trẻ người Israel lập tức mang dự án mình đến các quỹ đầu tư có văn phòng đặt tại Tel Aviv, trung tâm kinh tế của Israel, để “kén rể”. Các quỹ này đánh giá thấy “cô dâu” này “ngon ăn” sẽ giúp các bạn “mai mối” trên sàn chứng khoán New York, London, Tokyo, Hong Kong, Singapore, … Khi có một doanh nghiệp ăn nên làm ra hoặc khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, người Israel chia ra cả chục phần cho các cường quốc, nhưng sẽ không để nước nào chiếm cổ phần chi phối. Ví dụ, công ty A, người Israel vẫn giữ cổ phần 20%, 80% còn lại chia đều cho các tập đoàn tài chính, các nhà tài phiệt của Mỹ, Nhật, Anh, Pháp, Đức, Nga, Canada, Trung Quốc, Ấn Độ, Ý, Úc, Nam Phi, Hàn Quốc, Singapore, … Một khi có quyền lợi ở đấy, các cường quốc sẽ bảo vệ Israel khỏi mối nguy hiểm của 22 nước Ả Rập bên cạnh, vốn rất giàu có nhờ vào dầu mỏ. Theo người Do Thái, không có bạn hay kẻ thù vĩnh viễn. Chỉ có lợi ích mới là vĩnh viễn.
Lợi ích là cái khiến người ta sáng tạo và làm việc hết mình. Trong văn hóa Israel, ai càng cá tính, càng thông minh, càng sáng tạo, càng chăm chỉ càng giàu. Áp dụng cái này, chúng ta không phải lo lắng gì về kỷ luật lao động. Trong giờ làm ai lơ là chat chit hay mải mê Facebook thì thu nhập kém, thế thôi. Về già, một người sống phong lưu thư thái hay chật vật tiền nong đều được quyết định bởi thời tuổi trẻ của họ.
2. Họ chào đón thất bại
Gidon nói khoảng 99% các bạn trẻ Israel thất bại ở lần khởi nghiệp đầu tiên, nhưng thất bại là cơ hội để rút kinh nghiệm nên họ luôn chào đón thất bại (welcome failure). Vì người ta chỉ có thể học tập nhiều nhất từ thất bại của chính bản thân mình, kinh nghiệm của người khác chỉ mang tính chất tham khảo. Nếu bạn không ngã một vài lần thì sẽ không biết chạy xe đạp, chưa uống vài ngụm nước trong bể bơi thì sẽ không biết bơi. Đọc nhiều, kiến thức rộng, nói hay...không có ý nghĩa nhiều. Làm giỏi, có thành tựu mới là thành đạt. Chưa ai đọc sách làm giàu, học các khóa làm giàu, nghe người khác kể chuyện khởi nghiệp mà tự mở doanh nghiệp thành công được cả.
3. Quốc tế hóa để tìm an bình
Bài toán lợi ích luôn là một bài toán khó. Nhưng với những cái đầu Do Thái thông minh, họ luôn có cách giải xuất sắc nhất. Với những vùng đất, biển đảo tranh chấp, … họ đều quốc tế hóa, thành lập một pháp nhân để quản lý, khai thác, cổ phần chia đều cho các cường quốc, Israel vẫn giữ một tỉ lệ nhỏ dưới danh nghĩa chủ nhà. Gidon bảo các thế kỉ trước, người Anh, người Pháp, người Bồ, người Hà Lan, … đi chiếm thuộc địa, mục đích duy nhất là đem của cải về mẫu quốc, chứ họ không di dân đến sống ở đó, người Tây phương không sống ở xứ nóng. Mày xem đấy, Mỹ, Canada, Úc, New Zealand, Nam Phi,…đều là xứ lạnh cả. Sát cạnh đó là Mexico, Trung Mỹ, Đông Nam Á, Trung Đông, Trung Phi, … là xứ nóng, họ chỉ đến để khai thác lợi ích kinh tế. Chính sách nước nào cũng đều khuyến khích người phương Tây đến mua nhà, vì thật sự muốn làm ăn hay sinh sống lâu dài thì người phương Tây mới tính chuyện đó, không có khái niệm đầu cơ nhà cửa như dân châu Á. Nếu người Thụy Sĩ có nhà ở thành phố Jerusalem thì đại sứ quán Thụy Sĩ ở đó sẽ bảo vệ công dân họ. Nếu các tập đoàn đa quốc gia như Unilever, Nestlé, … mở nhà máy ở Haifa thì thành phố đó sẽ yên bình. Một quốc gia đứng trước một mối nguy từ láng giềng to lớn thì tốt nhất là cho các tập đoàn G20 thành lập các khu công nghiệp, càng nhiều càng tốt. Tiếng Anh bắt buộc học từ lớp 1, PHẢI LÀ NGÔN NGỮ THỨ 2 (the second language) (chứ đừng xem là ngoại ngữ (foreign language) cho hệ thống giáo dục tiên tiến. Ngoại ngữ thì tiếng Pháp, Đức, Ý, Trung, Nhật, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha...Tạo cơ hội cho người dân giao lưu với người nước ngoài, người dân ai cũng có bạn bè quốc tế. Càng nhiều người nước ngoài đến du lịch hay làm ăn, tiếng nói chính nghĩa của mình sẽ được rộng khắp.
Là một quốc gia nhỏ bé và ít dân, lại luôn rình rập bởi các nước Ả Rập xung quanh, người Israel giữ nước bằng cách cho các nước lớn có lợi ích trong mọi lĩnh vực. Gidon bảo ví dụ hãng hàng không ABC Airlines, nếu người Israel sở hữu 100% thì doanh số chỉ có 1 tỉ đô. Nhưng tụi tao chia 10 phần ra. Cho các cường quốc nắm giữ 80% thì doanh số lên tới 20 tỉ đô, dù tụi tao có 20% thôi nhưng số tuyệt đối là 2 tỉ. Mua máy bay Airbus của châu Âu hay Boeing của Mỹ đều được ưu tiên. Lúc hoạt đông, máy bay bay qua không phận nước nào, nước đó bảo vệ khí thế vì đó là tài sản của họ.
Tony bảo nhưng công sức mình khởi nghiệp đã đời mà tự nhiên đem bán, tiếc lắm. Gidon vừa uống cà phê vừa cười sặc sụa. Nói Tony à, mày ít sáng tạo, lâu lâu nghĩ ra ý tưởng được một chút thì ráng giữ. Người giỏi rất khác. Dù có bị ai đó triển khai mất, họ lại có ý tưởng khởi nghiệp mới. Nên dù cho cái start-up (doanh nghiệp khởi nghiệp) đó có lợi nhuận khủng, các bạn trẻ Israel (làm chủ cái start-up đó) vẫn bán cho nước ngoài. Thậm chí nếu nước ngoài mua hết thì bán luôn, các bạn sẽ dùng tiền đó thành lập một start-up khác.
4. Luôn có một nơi gọi là tổ quốc
Gidon nói tụi tao khởi nghiệp không chỉ vì bản thân và gia đình mình, mà còn vì tổ quốc. Chiến tranh liên miên ngàn năm, được miếng đất cắm dùi rồi, tụi tao phải ra sức xây dựng. Israel không có những thung lũng hoa hồng mọc tự nhiên, tụi tao sẽ đem hạt giống về trồng, chắn nắng, che mưa, che bom đạn, … để thành những thung lũng hoa hồng xanh mát. Quê hương sỏi đá, mày có thể lựa chọ, hoặc bỏ đi đến chỗ tốt tươi hơn, hoặc chung tay xây dựng nó. Sinh ra trong một gia đình nghèo thì mày có thể bỏ lên thành phố phồn hoa hoặc ở lại và cải tạo ngôi nhà đó thành nơi đáng sống. Tao có thể xin quốc tịch Mỹ, nhưng tao đã từ chối. Với người Israel, chỉ có một quê hương, …
Gidon liếc nhìn đồng hồ rồi xin phép về trước. Tony đứng dậy siết chặt tay bạn, hẹn gặp lại tại Việt Nam. Bạn nói nếu nước mày muốn phát triển, hãy nhờ đến người Israel tư vấn. Hãy gửi thật nhiều bạn trẻ đến Israel học tập. Giáo dục, nông nghiệp, quân sự, y khoa, start-up về công nghệ là 5 lĩnh vực người Israel giữ vị trí số 1 thế giới hiện nay. Tụi tao đã đào tạo nhân lực trong 5 lĩnh vực trên cho Hàn Quốc, sau đó là Singapore và thứ 3 có thể là Việt Nam, quốc gia mà người Israel có thiện cảm đặc biệt. Nếu nhân dân hai nước giao lưu thân mật, đường bay trực tiếp được thiết lập, Việt Nam hoàn toàn có thể nối tiếp Israel trở thành một quốc gia khởi nghiệp mới.
Bạn về, Tony vẫn còn ngồi lại. Ngoài cửa sổ quán cà phê Manon, đèn đường đã bật sáng, tuyết bắt đầu rơi dày. Nhìn dòng người đủ màu da, chủng tộc vừa tan sở, bước ra khỏi các tòa nhà cao ốc tài chính và vội vã đi trên phố, Tony biết trong lòng họ luôn có một nơi gọi là Tổ quốc".
Theo Tony buổi sáng.