Người Trung Quốc "núp bóng" thâu tóm đất: Không đơn thuần coi là quan hệ thương mại

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn của đại biểu về người Việt đứng tên mua đất đai cho người Trung Quốc...

Họp quốc hội

Chúng tôi không coi đơn thuần đó chỉ là những vấn đề về quan hệ thương mại, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn của đại biểu Dương Trung Quốc về người Việt đứng tên mua đất đai cho người Trung Quốc, sáng 4/6 tại Quốc hội.

Như VnEconomy đã thông tin, hồi âm ý kiến cử tri, Bộ Công an đã nêu tình trạng doanh nghiệp, cá nhân người Trung Quốc "núp bóng" người Việt mua bán bất động sản tại các khu vực ven biển để chuyển mục đích sử dụng sang đất thương mại, dịch vụ hoặc thuê diện tích đất dọc ven biển, khu vực biên giới biển, biên giới đất liền; thâu tóm các vị trí đất đẹp, trung tâm.

Đại biểu Dương Trung Quốc chất vấn, Bộ trưởng có coi đó là những giao dịch thương mại không hay đó là những vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia và Bộ có quan tâm và để giải quyết dứt điểm chuyện này không?

Bộ trưởng Tô Lâm trả lời, vấn đề mua đất đai của người nước ngoài, Bộ coi đó là một mặt phát triển quan hệ, tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài, cho nhà đầu tư trong môi trường kinh doanh tốt. Bên cạnh đó, bảo đảm an ninh trật tự luôn là nhiệm vụ quan trọng.

"Chúng tôi không coi đơn thuần chỉ là những vấn đề về quan hệ thương mại, ở mức độ thế nào, tập trung thế nào hoặc đối với những dự án nào, khu dân cư nào, theo phát triển, theo mật độ người nước ngoài ở mức độ như thế nào để bảo đảm được vấn đề an ninh quốc gia chúng tôi sẽ có tính toán, đề xuất, biện pháp để báo cáo với cơ quan chức năng phối hợp với các ngành, kể cả thương mại và xây dựng để quản lý những vấn đề này", Bộ trưởng cho biết.

Một "điểm nhấn" đáng chú ý khác tại phiên chất vấn, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) hỏi, vì sao số lượng tướng lĩnh của ngành công an thời gian qua đến mức phải xử lý bằng chế tài hình sự nhiều đến như vậy? Ai là người chịu trách nhiệm trong việc giới thiệu, đề bạt, bổ nhiệm những cá nhân này.

Từ vị trí điều hành, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: "vấn đề tướng vi phạm hình sự thì đã được xử lý, không có khoảng đất nào trống cho các vị tướng công an mà vi phạm pháp luật đã bị xử lý. Còn trách nhiệm ai đề bạt, bổ nhiệm thì Quốc hội biết rồi. Để bổ nhiệm một vị tướng phải đúng pháp luật quy định mà Quốc hội đã ban hành các bước quy trình. Khi bổ nhiệm người ta tốt thì bổ nhiệm nhưng sau đó người ta vi phạm pháp luật thì xử lý. Chuyện rất bình thường. Tôi nghĩ câu này thì Bộ trưởng khỏi trả lời".

Tín dụng ngân hàng về tận xã, sao tín dụng đen vẫn tăng?

Một trong những vấn đề trở đi trở lại trong phiên chất vấn người đứng đầu ngành công an là trấn áp tội phạm tín dụng đen.

Trong khi hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng được tổ chức từ trung ương đến cấp xã, tại sao hoạt động tín dụng đen gia tăng trọng thời gian gần đây? Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và có giải pháp gì để ngăn chặn hoạt động tín dụng đen, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) nêu câu hỏi.

Một số vị đại biểu khác cũng "truy" Bộ trưởng giải pháp căn cơ cho "đại dịch" tín dụng đen.

Trả lời chung về những chất vấn này, Bộ trưởng cho biết không chỉ người cho vay mà người đi vay cũng có nhiều dấu hiệu liên quan đến hoạt động tội phạm, nếu sản xuất kinh doanh bình thường thì rất khó để có đủ điều kiện kinh doanh để có thể trả lãi cao lên tới 300%.

Người đi vay cũng có mục tiêu sử dụng trong những việc vi phạm pháp luật, việc không lành mạnh như cờ bạc, buôn bán hàng lậu, gian lận về thương mại. Người ta cần khoản tiền rất nhanh ngay trong một phi vụ thì người ta bất chấp lãi suất của các tổ chức tín dụng, sẵn sàng để huy động những việc đó, hoặc là lừa đảo, Bộ trưởng giải thích.

Vẫn theo Bộ trưởng thì đằng sau các tổ chức tín dụng đen là tổ chức tội phạm. Những người lập ra các quỹ tín dụng đen cho vay, đằng sau những ông chủ đó bản thân là đối tượng hình sự hoặc nếu không thì cũng nuôi, chăn dắt một số lượng đối tượng hình sự để phục vụ mục tiêu hoạt động tín dụng đen của mình.

Nếu không thực hiện được trong thời gian vay tín dụng đen với lãi suất cao như thế thì dùng những đối tượng xăm trổ, những đối tượng hình sự đến đe dọa, đòi nợ thuê, gần như đến cướp ngày, Bộ trưởng nói.

Trước phiên chất vấn, tại báo cáo gửi Quốc hội, Bộ trưởng Tô Lâm đã "hứa" thời gian tới sẽ tăng cường các mặt công tác nghiệp vụ, phát hiện, kịp thời triệt phá các băng nhóm tội phạm hình sự ngay từ khi mới manh nha hình thành, không để hoạt động theo kiểu "xã hội đen"; không để tội phạm liên quan đến "tín dụng đen" phức tạp trở lại.





Tags: Phap-Ly
Nhận xét đã bị vô hiệu hóa.

Tin liên quan

    -->